Tác giả: Nora Gedgaudas
Nguồn: Primal Body, Primal Mind
Nguồn: Primal Body, Primal Mind
Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy
Chương 5: Tiêu hóa và Hấp thụ Dinh dưỡng
Bạn có thể ăn những thực phẩm đắt nhất, tốt nhất từng có trên thế gian này mà vẫn bị bệnh tật hay sức khỏe kém. Làm sao có thể như vậy được? Một yếu tố cực kỳ quan trọng là sự tiêu hóa. Nếu bạn không thể phân tách và hấp thụ những gì bạn ăn, bạn chỉ tiêu tốn tiền mua thức ăn mà thôi. Tồi tệ hơn nữa, bạn đang tạo ra những hỗn hợp ứ đọng, lên men và độc hại trong hệ thống tiêu hóa có thể làm rối loạn mọi cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể bạn. Không thể nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của một hệ thống tiêu hóa tốt, vậy mà đây lại là chủ đề thường bị bỏ qua khi bàn về một chế độ ăn lành mạnh. Mọi bộ phận khác của cơ thể và tâm trí đều phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tiêu hóa để nhận được những chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động bình thường.
Tiêu hóa kém là một vấn đề đã trở thành đại dịch, một điều mà lượng thuốc ức chế acid dạ dày được tiêu thụ hay số ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật hay ruột thừa ngày một tăng đang chứng tỏ. Jonathon Wright, M.D., sau khi dùng thiết bị nội soi để đo độ pH dạ dày của hàng ngàn bệnh nhân, đã ước tính rằng khoảng 90% người Mỹ sản xuất quá ít acid hydrochloric. Hậu quả của điều này là cực kỳ to lớn.
Việc thiếu acid hydrochloric trong dạ dày dẫn đến nhiều vấn đề khá nghiêm trọng:
- Tiêu hóa và hấp thụ kém những protein và amino acid cần thiết cho hơn 50.000 chức năng khác nhau trong cơ thể, như sản xuất các chất truyền dẫn thần kinh để điều hòa tâm trạng; sửa chữa và tái tạo các tế bào, cơ quan nội tạng, xương, cơ; và nhiều chức năng không thể thiếu khác.
- Hấp thụ kém những khoáng chất thiết yếu như canxi, magiê, phốt-pho, boron, sắt và kẽm. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn nữa khi mà cơ thể cần kẽm để sản xuất acid hydrochloric. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn có thể dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng những khoáng chất cực kỳ quan trọng này và tất cả các hậu quả kèm theo của nó.
- Sự sản xuất acid hydrochloric kém bởi dạ dày còn khiến vitamin B12 được hấp thụ kém. Đây là một chất tối cần thiết cho sức khỏe của hệ thần kinh. Vitamin B12 là một chất cho methyl quan trọng, cần thiết cho hoạt động bình thường của não bộ và hệ thống tim mạch. Chúng ta cũng dùng nó để sản xuất các tế bào huyết cầu. Tình trạng thiếu vitamin B12 kéo dài có thể dẫn đến những tổn hại thần kinh không phục hồi được, rối loạn tinh thần, nhận thức và mất trí nhớ, cũng như bệnh thiếu máu và bệnh tim. Một bức tranh không đẹp đẽ cho lắm!
- Hỗn hợp thối rữa không được tiêu hóa trong dạ dày (xin lỗi đã phải dùng từ mang tính hình tượng như vậy) gây rối loạn trong các bộ phận khác của hệ thống tiêu hóa. Nó bị lên men, sinh ra khí và biểu hiện ra ngoài thành các triệu chứng ợ nóng, đầy hơi và trung tiện. Nó kích thích và gây sưng tấy trong ruột non. Điều này có thể dẫn đến sự bào mòn của các lông nhung và dẫn đến cái gọi là hội chứng rò ruột (leaky gut syndrome), một trạng thái siêu thẩm thấu của niêm mạc ruột non, thông qua đó các protein chưa được tiêu hóa có thể đi vào mạch máu. Những protein này sẽ bị hệ thống miễn dịch của cơ thể coi như kẻ địch, gây ra nhạy cảm và dị ứng với nhiều thực phẩm và về lâu dài dẫn đến các rối loạn tự miễn.
- Mẫn cảm hơn với ký sinh trùng và các bệnh từ thực phẩm khác.
Đã tệ lại càng tệ hơn
Có một khả năng tồi tệ nữa ở đây: Nếu tình trạng thiếu acid hydrochloric trở thành mãn tính, vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), một vi khuẩn vẫn sống bình thường trong hệ thống tiêu hóa, có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát. Trong môi trường thiếu acid của dạ dày, H. pylori bắt đầu phát triển mạnh, xâm nhiễm niêm mạc ruột, ức chế các tế bào sản xuất acid (khiến sự sản xuất acid hydrochloric càng khó khăn hơn nữa), và gây sưng tấy, bào mỏng hay thậm chí tạo khối u ở các mô thành ruột. Điều này có thể gây ra bệnh đường ruột và ung thu trong hệ thống tiêu hóa.
Tuy vậy, chúng ta vẫn cần một lượng nhất định H. pylori. Chúng đóng một vai trò phức tạp trong sự điều hòa leptin, vì vậy tiêu diệt chúng hoàn toàn bằng kháng sinh không phải là giải pháp tốt. Kiểm soát sự sinh trưởng của chúng bằng những chất dinh dưỡng nhất định và phục hồi mức độ acid hydrochloric bình thường là phương án tốt hơn là tiêu diệt hoàn toàn.
Sự sản xuất acid hydrochloric phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc bạn có ăn đủ protein không; chất lượng những protein ấy ra sao; lượng thức ăn bạn ăn mỗi bữa có nhiều quá không… Gluten trong bột mì, lúa mạch, yến mạch; casein trong sữa và các sản phẩm sữa, đặc biệt là sữa đã bị xử lý theo phương pháp Pasteur (pasteurization); đậu tương đều có thể gây ra nhiều vấn đề với nhiều người và làm cho công việc của acid hydrochloric khó khăn hơn. Ăn nhiều quá cùng một lúc cũng dễ dẫn đến khó tiêu. Ăn tinh bột và protein trong cùng một bữa ăn cũng ảnh hưởng không tốt đến sự sản xuất acid hydrochloric. Giải quyết những vấn đề này không thôi thường cũng đã đủ để giải quyết các vấn đề về tiêu hóa và việc thiếu acid hydrochloric.
Vậy, tại sao tôi không có đủ acid hydrochloric?
Có nhiều lý do dẫn đến việc thiếu acid hydrochloric. Acid hydrochloric chỉ được sản xuất khi có mặt protein và bị ức chế khi có đường hoặc tinh bột. Chế độ ăn nhiều carbohydrat, đặc biệt là khi đi kèm với việc không ăn đủ protein, như là chế độ ăn chay hay ăn chay tuyệt đối, là nguyên nhân cực kỳ phổ biến của việc thiếu acid hydrochloric. Tuyến giáp hoạt động kém thường không sản xuất đủ gastrin, một hooc-môn cần thiết để kích hoạt sự sản xuất acid hydrochloric. Sự thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cũng có thể là thủ phạm (vitamin B1, kẽm và vitamin C đều cần cho sự sản xuất acid hydrochloric). Những nguyên nhân khác bao gồm ăn quá nhiều cùng một lúc; ăn các thực phẩm kỵ nhau như protein và tinh bột cùng một lúc; uống nhiều rượu, bia; tâm trạng thường xuyên không thoải mái, stress, lo âu, đặc biệt là vào bữa ăn.
Sản xuất đủ acid hydrochloric là cần thiết cho toàn bộ phần còn lại của quá trình tiêu hóa. Vì vậy, đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng cần được giải quyết và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lẽ ra nó cần hoạt động như thế nào: Sơ lược về quá trình tiêu hóa
Hãy kiên nhẫn với tôi một chút ở đây. Hiểu biết về hoạt động tiêu hóa là cực kỳ quan trọng!
Nhớ rằng quá trình tiêu hóa bắt đầu từ não, và rằng nó là một quá trình thần kinh phó giao cảm. Điều này nghĩa là cơ thể và tâm trí phải ở trong trạng thái thoải mái, bình yên để tiêu hóa hoạt động tốt. Ăn trong lúc vội vã, không tập trung (vừa ăn vừa xem TV) hay bị stress làm tê liệt hoạt động tiêu hóa bình thường và ức chế việc tiết ra các dịch tiêu hóa cần thiết. Điều này chỉ dẫn đến chứng khó tiêu và ợ nóng mà thôi.
Luôn luôn đợi cho đến khi bạn có đủ thời gian để bình tĩnh và tập trung vào bữa ăn, thưởng thức hương vị bữa ăn, và nhai kỹ. Trong miệng, enzyme amylase đã bắt đầu tiêu hóa carbohydrat, và thức ăn cần được nghiền nhỏ. Thức ăn không được nhai kỹ khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn và cần nhiều acid hydrochloric hơn để phân tách protein. Nhai, nhai, nhai! (Xin lỗi, mẹ bạn đã nói đúng… ít nhất là về vấn đề này.)
Từ đây, thức ăn đã được nghiền nát đi xuống thực quản, vào dạ dày, nơi nó được hòa với acid hydrochloric và pepsin để phân tách các protein ra thành những chuỗi ngắn hơn gọi là peptide. (Thành dạ dày được bảo vệ bởi một lớp chất nhờn khỏi tác động của acid.) Các peptide tiếp tục được phân tách bởi các enzyme tuyến tụy cho đến khi chúng trở thành các amino acid để sau đó được hấp thụ bởi ruột non.
Khi độ pH của dạ dày xuống cực kỳ thấp – khoảng 0.8, gần như là acid nguyên chất – nó báo cho van môn vị (cửa ngăn giữa dạ dày và ruột non) rằng hoạt động tiêu hóa trong dạ dày đã hoàn thành. Độ pH đủ thấp này đóng vai trò như chiếc chìa khóa mở van để cho những thứ trong dạ dày đổ vào tá tràng. Độ pH không đủ thấp (do thiếu acid hydrochloric) có thể làm chậm sự chuyển tiếp này, có khi kéo dài ra hàng giờ, dẫn đến sự lên men trong dạ dày và gây ra các triệu chứng ợ nóng.
Bạn thử về nhà làm thí nghiệm này: Lấy cái máy xay sinh tố, bỏ vào đấy một ít thịt băm, một ít khoai tây đã nấu chín, một cốc Pepsi (bạn có thể thay bằng một cốc rượu vang), một ít nước sốt, kem chua (dùng cho khoai tây), bánh mì, bơ, và… tại sao không có đồ tráng miệng nhỉ. Bây giờ, xay nhuyễn tất cả ra, nhổ một bãi nước bọt vào đấy, rồi đặt ở nơi có nhiệt độ 36oC trong khoảng 1-2 giờ (hoặc lâu hơn nữa). Tôi dừng ở đây để trí tưởng tượng của bạn được tự do tiếp tục. (Cảm ơn Colleen Dunseth, người bạn và đồng nghiệp của tôi, về sự so sánh rất có ích và đầy hình ảnh này.)
Dung dịch ứ đọng không được tiêu hóa đúng mức trong dạ dày, khi lên men, tạo thành một hỗn hợp độc hại cho cơ thể, thứ mà người gác cổng khôn ngoan – van môn vị – không muốn cho qua. Khi van môn vị (ngăn giữa dạ dày và ruột non) khóa chặt không cho thức ăn đi tiếp xuống, đôi khi dung dịch đó quay ngược trở lên. Thế là – ợ nóng!
Dạ dày là một cơ quan acid. Khi khỏe mạnh, nó thích môi trường cực kỳ acid, và dung dịch tiêu hóa của nó phải đủ độ acid!
Ngay cả khi dạ dày thiếu acid, độ acid của dung dịch tiêu hóa trong dạ dày vẫn là quá mạnh đối với thực quản mỗi khi bạn ợ nóng do thực quản không có lớp màng bảo vệ. Nhưng hãy nghĩ xem bạn đang làm gì mỗi khi bạn dùng thuốc ức chế hay trung hòa acid để chữa triệu chứng này. Ợ nóng gần như luôn luôn là hậu quả của việc không đủ acid trong dạ dày, chứ không phải là quá nhiều! Chữa triệu chứng trước mắt bằng việc thường xuyên dùng thuốc trung hòa acid dạ dày có thể dẫn tới thảm họa về lâu dài! Những thứ thuốc ấy không bao giờ được thiết kế để dùng trong thời gian dài, vậy mà nhiều người bây giờ dùng chúng hàng năm trời. Lượng acid hydrochloric đầy đủ là tối cần thiết cho sự tiêu hóa protein, ít nhất 14 loại chất khoáng, vitamin B12 và acid folic. Nó cũng là tối cần thiết cho hoạt động hiệu quả của phần còn lại của quá trình tiêu hóa.
Không đủ acid hydrochloric có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Đầy hơi, chướng bụng và cảm giác nặng bụng sau bữa ăn đều là những triệu chứng kinh điển của việc không sản xuất đủ acid hydrochloric; ợ nóng cũng vậy. Móng tay yếu hay giòn và tóc rụng quá nhiều cũng là những triệu chứng thường gặp. Những triệu chứng này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi to lớn hơn nhiều. Tình trạng này cũng mở rộng cửa dẫn tới nhiều vấn đề nhạy cảm thực phẩm.
Trong khi đó, xa hơn nữa về phía nam
Cùng lúc dung dịch tiêu hóa với lượng acid cao đổ vào tá tràng, độ pH thích hợp đó kích hoạt sự sản xuất của lớp màng để bảo vệ tá tràng khỏi acid. Hooc-môn secretin tiếp đó báo hiệu cho tuyến tụy sản sinh ra bicarbonate để trung hòa acid dạ dày và các enzyme tuyến tụy để tiếp tục tiêu hóa thức ăn.
Một hooc-môn khác, cholecystokinin, với nhiệm vụ báo hiệu sự có mặt của chất béo, kích thích túi mật đổ lượng mật nó chứa vào tá tràng thông qua ống mật. Lượng mật này phân tách chất béo trong tá tràng thành những hạt rất nhỏ để dễ hấp thụ. Hoạt động của túi mật cũng chịu ảnh hưởng bởi tín hiệu từ độ pH. Ngoài ra, nhạy cảm với gluten cũng ức chế sự sản xuất cholecystokinin và dòng mật từ túi mật. Tạp chí Gan học (Hepatology) viết, “Bệnh celiac có liên quan đến sự gia tăng dung tích túi mật lúc đói và sự suy giảm tốc độ dòng mật chảy ra sau khi ăn.” Dĩ nhiên là điều này dẫn đến mật bị ngưng đọng và có thể tạo ra sỏi mật. Bài viết đó tiếp tục, “Điều này có nhiều khả năng là do sự suy giảm của các hooc-môn sản xuất ra ở ruột trong quá trình tiêu hóa (ví dụ như cholecystokinin), sự tổn thương của lớp lông nhung và sự gia tăng của nồng độ somatostatin.” Thêm vào đó, trong một bài viết trên tạp chí Ruột (Gut), các tác giả viết, “Tốc độ chảy của mật từ túi mật được đo từng phút một bằng phương pháp ssniTc-HIDA. Ở những bệnh nhân bị bệnh celiac, tốc độ dòng mật bị giảm rất nhiều (34,6 ± 9,9 so với 615,7 ± 5% sau 60 phút)”.
Sự suy giảm lượng mật do bất cứ nguyên nhân gì (bao gồm cả việc không có túi mật) có thể cản trở nghiêm trọng quá trình tiêu hóa, dẫn đến việc không tiêu hóa được hoàn toàn chất béo, hấp thụ kém các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo, và cuối cùng là sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cực kỳ cần thiết đó trong cơ thể. Hãy tin tôi khi tôi nói rằng đây là một điều rất, rất tồi tệ.
Dòng mật có thể bị ngưng đọng do nhiều lý do, mặc dù danh sách những thủ phạm phổ biến nhất bao gồm thiếu hụt acid hydrochloric; nhạy cảm với gluten; ăn quá nhiều chất béo đã bị biến đổi trong thực phẩm chế biến sẵn; và một chế độ ăn quá ít chất béo. Bạn thấy đấy, thông thường mật rất loãng và có thành phần chủ yếu là cholesterol (vâng . . . chất cholesterol xâấu xa), nhiều loại muối khác nhau, phospholipid, một số chất khoáng, chất nhuộm màu và taurine. Chất béo không tốt (qua chế biến công nghiệp, bị ôxy hóa) hay mật ít được sử dụng, như là do ăn chế độ ăn ít mỡ, có thể khiến mật bị cô đặc và làm việc co bóp đưa mật khỏi túi mật khó khăn, gây đau đớn, và đôi khi gần như không thể. Cholesterol, chất nhuộm màu hay canxi trong mật bị cô đặc có thể kết tủa thành những viên sỏi nhỏ, hoặc không nhỏ lắm.
Xin trời tránh cho bạn khỏi hoàn cảnh khi một trong những viên sỏi ấy tìm cách chui ra khỏi túi mật trong lúc bạn đang ăn một bữa KFC chẳng hạn. Điều đó sẽ gây ra tắc ống dẫn mật và gửi bạn thẳng đến phòng cấp cứu ở bệnh viện, nơi các bác sĩ sẽ rất sẵn lòng cắt túi mật đi cho bạn một cách vĩnh viễn. Đôi khi các bác sĩ còn khuyến nghị cắt túi mật để “cho chắc ăn” (điên rồ nhưng có thật), ngay cả khi nó chưa bị làm sao cả.
Đừng bị mắc lừa và tin rằng bạn không cần đến túi mật, mặc dù họ có thể tìm cách làm bạn tin như vậy. Sống mà không có túi mật có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng suốt cả đời do việc tiêu hóa chất béo và các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo bị ảnh hưởng. Tìm cách phục hồi sức khỏe của hệ thống mật bao giờ cũng là tốt hơn nếu có thể. Tuy nhiên, một khi bạn đang lăn lộn đau đớn vì một viên sỏi bịt kín ống dẫn mật thì đã quá muộn.
Trong trường hợp không có túi mật, uống mật bổ sung (thường được bán dưới dạng mật bò (ox bile) trong các cửa hàng thuốc) là tối cần thiết. Thêm vào đó, phải hết sức lưu ý để khỏi bị thiếu các acid béo tối cần thiết và các vitamin A, D, E, và K.
Độ pH không hợp lý trong dạ dày hay các vấn đề trong hệ thống mật ở phần trên của hệ thống tiêu hóa tạo điều kiện tốt cho hội chứng ruột kích thích (IBS), ung thư đường ruột, nấm và các ký sinh phát triển ngoài kiểm soát, táo bón và nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn nữa.
Có thể kết luận chắc chắn rằng đoạn kết sẽ không tốt đẹp gì.
Trời! Tôi phải làm gì?
Bạn có thể giúp đỡ cho hệ thống tiêu hóa của mình rất nhiều bằng việc làm theo những hướng dẫn đơn giản sau:
- Dành thời gian cho bữa ăn, giữ tâm trạng thoải mái và tập trung.
- Nhai, nhai, nhai!
- Ăn protein chất lượng cao thay cho đậu tương, không nấu quá chín và không ăn nhiều quá cùng một lúc.
- Tránh ăn protein cùng với tinh bột và đường, bao gồm cả trái cây. Rau nhiều chất xơ và ít tinh bột thì không sao.
- Kiểm tra xem bạn có bị nhạy cảm với gluten không (Xem chương 3 để biết thêm thông tin về gluten).
- Cho thêm các thực phẩm lên men chất lượng cao, bao gồm cả các loại dưa muối, vào bữa ăn. Những thực phẩm này có thể giúp phục hồi lượng vi khuẩn có ích và cung cấp nhiều enzyme giúp ích cho quá trình tiêu hóa. Chúng đặc biệt có ích khi bạn ăn nhiều thực phẩm nấu chín kỹ khác. Chúng cũng rất ngon nữa.
- Đừng sợ mỡ tự nhiên hay bị lừa mà đi theo chế độ ăn ít mỡ. Nhớ là cơ thể chúng ta được thiết kế để ăn mỡ, và ăn nhiều mỡ. Đó chính là lý do tại sao chúng ta có túi mật. Chúng ta là những sinh vật của thời kỳ băng hà – nhớ không? Dùng nó hay là mất nó.
Lưu ý quan trọng: Có một ngoại lệ là những người có vấn đề về túi mật (tắc ống dẫn mật, đau ở dưới sườn phải, đặc biệt khi chạm vào, hoặc buồn nôn vào bữa ăn). Những trường hợp này cần đặc biệt thận trọng và một chế độ ăn ít mỡ có thể là thích hợp cho đến khi vấn đề túi mật được giải quyết. Hãy đi khám bác sĩ. Nhớ là đừng tìm cách làm anh hùng.Lắng nghe cơ thể bạn. - Tránh đậu tương chưa được lên men như đậu hũ. Đậu tương chứa những chất ức chế enzyme mà, cùng với thời gian, có thể phá hỏng khả năng tiêu hóa và hấp thụ protein của bạn.
- Ăn đủ muối chưa tinh chế (như muối Celtic hay Himalayan) vì một chế độ ăn ít tinh bột thường thải nhiều muối. Không đủ muối trong cơ thể có thể dẫn đến táo bón.
Một số người có thể cần uống acid hydrochloric bổ sung vào bữa ăn trong một thời gian, cho đến khi dạ dày phục hồi khả năng sản xuất acid của nó. Nếu bạn cảm thấy đầy bụng, khó tiêu sau bữa ăn, uống một viên acid hydrochloric. Nếu bạn không thấy cảm giác hơi ấm ấm trong bụng sau khi uống, uống hai viên vào bữa sau và cứ thế cho đến khi cảm thấy hơi ấm ấm. Sau đó giảm đi một viên. Đó sẽ là liều dùng hợp lý cho bạn. Lượng protein trong bữa ăn cũng quyết định lượng acid hydrochloric bạn cần. Nói một cách khác, đừng uống cả nắm acid hydrochloric nếu bạn chỉ có một hai con tôm cô đơn trên đĩa salad. Lượng acid hydrochloric bạn cần sẽ giảm theo thời gian, và dạ dày bạn sẽ báo cho bạn biết khi nào cần giảm.
Cùng với thời gian, dạ dày bạn sẽ phục hồi khả năng tự sản xuất đủ acid hydrochloric. Nếu nó không phục hồi, có thể có những vấn đề khác, như vi khuẩn H. pylori phát triển quá mức, tuyến giáp hoạt động kém, v.v… Nên đi khám một bác sĩ chuyên môn về lĩnh vực này.
Những trường hợp ngoại lệ không nên uống bổ sung acid hydrochloric bao gồm những người bị khối u hay viêm dạ dày, hay đang bị ợ nóng rất nghiêm trọng. Các mô bị sưng tấy ở dạ dày và thực quản cần được chữa lành trước khi những người này bắt đầu uống bổ sung acid hydrochloric. Việc này có thể được thực hiện với những thuốc bổ sung có chứa deglycyrrhizinated licorice (DGL), vitamin U (hoặc uống thật nhiều nước ép từ lá bắp cải tươi, nếu bạn không bị vấn đề gì về tuyến giáp), vitamin A và D, aloe vera hữu cơ và L-glutamine.
Các enzyme tuyến tụy bổ sung, uống khi đói, có thể trợ giúp tiêu hóa đối với những người không sản xuất đủ các enzyme này. Ăn ít hơn vào mỗi bữa, tránh thực phẩm chứa đậu tương và các hạt ngũ cốc và cây họ đậu khác cũng góp phần phục hồi hoạt động bình thường của tuyến tụy.
Đặc biệt một số cá nhân thiếu một enzyme tuyến tụy giúp tiêu hóa chất béo gọi là lipase. Uống bổ sung enzyme này khi đói nhiều lần trong ngày có thể giúp phục hồi khả năng tiêu hóa chất béo và khiến việc giảm sự lệ thuộc vào đường như một nguồn năng lượng chính dễ dàng hơn.
Những người có hệ thống mật bị ứ đọng hay có sỏi mật dạng cholesterol có thể uống vài thìa dấm táo mỗi bữa ăn. Chất acid malic trong dấm giúp làm mềm các viên sỏi mật và làm loãng mật. Các biện pháp trợ giúp mật khác bao gồm nước ép từ lá cải đỏ, taurine và phosphatidyl choline. Thuốc bổ sung chứa acid phosphoric có thể giúp hòa tan sỏi mật dạng canxi. Uống bổ sung mật có thể là cần thiết để tiêu hóa chất béo cho đến khi chức năng túi mật được phục hồi. Lưu ý: Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ (nhất là những người chuyên về các phương pháp điều trị tự nhiên) trước khi thực hiện bất cứ biện pháp chữa trị sỏi mật nào.
Nhớ là sự tiêu hóa tốt là nơi bắt đầu và cũng là kết quả của mọi hoạt động khác trong cơ thể. Chỉ cần cải thiện mỗi hệ thống tiêu hóa thôi cũng có thể dẫn đến những cải thiện kỳ diệu về sức khỏe và tinh thần của bạn!