Có lẽ chưa bao giờ trên thị trường dược phẩm cổ truyền ở ta, các loại trà dược lại phong phú như bây giờ. Vậy, thế nào là trà dược?Trà dược được chế biến và sử dụng nhằm mục đích gì?… Một số vấn đề cơ bản về trà dược cổ truyền được diễn giải dưới đây sẽ giúp bạn hiểu biết thêm về chủng loại dược phẩm độc đáo này.
Trà dược là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản theo hai nghĩa: nghĩa hẹp, là chỉ một loại chế phẩm dùng trà hoặc lấy trà làm chủ phối hợp với các vị thuốc khác nhằm mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người; nghĩa rộng, là chỉ một dạng thực – dược phẩm bao gồm một hay nhiều loại dược liệu hoặc thực phẩm được chế biến và sử dụng giống như trà uống hằng ngày trong dân gian, nhưng kỳ thực không hề có chút lá trà nào trong thành phần, người ta gọi là “dĩ dược đại trà” (lấy thuốc thay trà).
Như vậy, trà dược là một dạng thuốc thang đặc biệt được sử dụng dưới dạng nước hãm (xung tễ) hoặc nước ngâm (bào tễ). Nhưng, hiện nay nhờ công nghệ phát triển người ta còn bào chế trà dược hòa tan bằng cách đưa dung dịch trà thuốc đã được xử lý theo quy trình pha chế thích hợp vào máy sấy phun sương để làm khô thành dạng bột trà dược dễ sử dụng và bảo quản.
Sử dụng trà dược cũng phải tuân thủ nguyên tắc mới đạt hiệu quả.
Có mấy loại trà dược?
Ngoài các loại có “thâm niên” khá dài như trà nhân trần, trà actiso, trà khổ qua, trà thanh nhiệt lương huyết… trên thị trường đã xuất hiện thêm khá nhiều những “chú lính mới” do các cơ sở sản xuất trong nước tung ra như trà nhân sâm tam thất, trà dưỡng lão, trà thanh nhiệt tiêu thực, trà linh chi, trà giảo cổ lam, trà trinh nữ hoàng cung, trà hạ áp, trà kỷ tử… với mẫu mã khá đẹp và hấp dẫn. Đó là chưa kể đến các loại trà nhập ngoại, chủ yếu là từ Trung Quốc và Nhật Bản, như trà nhân sâm các loại, trà linh chi, trà bạch cúc, trà ích thọ, trà bản lam căn, trà tam diệp…
Tùy theo thành phần, cách chế, loại hình sử dụng và công dụng mà người ta chia trà dược thành nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào thành phần có thể chia 3 loại: trà dược đơn hành (chỉ dùng duy nhất là trà), trà dược tương phối (dùng lá trà phối hợp với các vị thuốc) và dĩ dược đại trà (dùng thuốc thay trà). Tùy theo cách chế có thể chia thành hai loại chính: trà hỗn hợp là đem các vị thuốc có trong thành phần tán thành bột khô rồi trộn đều với nhau và trà đóng bánh là tán dược liệu thành bột thô rồi trộn với hồ hoặc một vị thuốc có chất dính để đóng thành bánh. Tùy theo dạng sử dụng mà chia ra các loại như trà hãm, trà ngâm, trà hầm, trà sắc, trà hòa tan… Tùy theo công dụng mà chia thành các loại như trà dưỡng sinh ích thọ, trà giải cảm, trà thanh nhiệt lợi niệu, trà sinh tân chỉ khát, trà hạ khí tiêu thực, trà ích khí tăng lực, trà trừ đàm giảm béo, trà thanh can sáng mắt…
Trà dược có tác dụng gì?
Tác dụng của trà dược bao gồm hai phương diện: công dụng của lá trà và công dụng của các dược liệu khác. Về công dụng của trà, từ xưa đến nay, các thầy thuốc y học cổ truyền đã bàn luận hết sức sôi nổi và đã phát hiện, khẳng định trên nhiều bình diện khác nhau. Cho đến nay, người ta thống nhất nhận thấy trà có các tác dụng như giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hóa, làm giảm mỡ máu và chống béo phì, tăng hưng phấn và cải thiện trí nhớ, tăng cường chức năng miễn dịch, chống viêm loét đường tiêu hóa, chống dị ứng, kháng khuẩn tiêu viêm, chống ngưng kết tiểu cầu và sự hình thành huyết khối, chống ôxy hóa và tiêu trừ các gốc tự do, chống phóng xạ, chống mệt mỏi và làm chậm quá trình lão hóa, làm giảm đường máu góp phần phòng chống bệnh tiểu đường, dự phòng thiếu máu và ngăn ngừa giảm bạch cầu do chiếu xạ, dự phòng các bệnh lý mạch máu não và đặc biệt còn có tác dụng chống ung thư. Ngoài ra, trà còn có công năng sáp tràng cầm tiêu chảy, dự phòng sự hình thành sỏi tiết niệu và sỏi đường mật, dự phòng bệnh gút và cường giáp trạng, phòng chống tình trạng thiếu sinh tố…
Về công dụng của các dược liệu khác thì tùy theo sự lựa chọn, bào chế, phối ngũ, liều dùng, cách dùng các vị thuốc khác nhau mà tạo nên các tác dụng riêng biệt góp phần tạo ra nét đặc trưng của từng loại trà dược. Nhưng tựu trung lại, theo quan niệm của y học cổ truyền, cũng không ngoài hai phương diện chính là “bổ” và “tả”, hay gọi tắt là “trà bổ” và “trà bệnh”. “Trà bổ” có công năng bồi bổ chính khí, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tùy theo khí huyết âm dương, tạng phủ hư yếu ít nhiều mà bù đắp cho phù hợp. “Trà bệnh” có công năng loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh, điều hòa chức năng của các tạng phủ, giải quyết các rối loạn bệnh lý nhằm phục hồi chức năng sinh lý của các tổ chức, cơ quan trong cơ thể.
Nguyên tắc sử dụng trà dược như thế nào?
Để trà dược phát huy hiệu quả cao nhất, khi sử dụng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản: (1) Phải điều độ, không thái quá, không bất cập. (2) Phải biện chứng thi trị, nghĩa là phải xem xét tỉ mỉ, tùy theo thể chất, tuổi tác, bệnh trạng… mà phân biệt âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực rồi trên cơ sở đó chỉ định lựa chọn, bào chế và sử dụng cho phù hợp. (3) Dược thiện kết hợp, trà dược vừa là đồ uống (thực phẩm) nhưng lại vừa là thuốc (dược phẩm), cho nên khi dùng phải chú ý kết hợp chặt chẽ và hợp lý tùy theo tính chất và giai đoạn của bệnh tật. (4) Tam nhân chế nghi, nghĩa là phải tùy người (nhân nhân), tùy theo điều kiện địa lý và môi trường sống (nhân địa) và tùy theo mùa, tùy thời gian (nhân thời) mà lựa chọn và sử dụng sao cho đạt được hiệu quả cao nhất và dự phòng được các tác dụng không mong muốn.
Tóm lại, trà dược có công dụng chung là phòng bệnh, chữa bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng thì mới đạt hiệu quả cao.
Đau dạ dày hãy dùng TRÀ DÂY THẢO NGUYÊN
Gọi ngay 0978 957 844, 01212 39 79 88
Chi tiết tại: www.TrieuChungDauDaDay.com – www.TraThaoNguyen.com